Nhiều người đặt câu hỏi: Ông đi khắp nơi trên mọi miền đất nước như thế thì làm ĐƯỢC gì cho đời ? Những người đi theo ông như vậy họ ĐƯỢC gì ?
Theo mình, Những người đi theo sư Minh Tuệ họ KHÔNG ĐƯỢC gì cả, mà họ MẤT rất nhiều thứ, mình có thể liệt kê một số như sau:
1. Sư Minh Tuệ MẤT đi LÒNG THAM:
– Mất đi sự tham ăn: người ta chợt nhận ra rằng cơ thể này chỉ cần ăn một ngày một bữa như sư Minh Tuệ vẫn có thể sống và sống rất khỏe mạnh, họ sẽ tiết chế bớt cái sự ăn của mình, ăn không cần phải cao lương mĩ vị, không cần phải ngày ba bữa; mà ăn gì cũng được, quý trọng thức ăn và chỉ ăn vừa đủ là thân khỏe, tâm an.
– Mất đi sự tham mặc: người ta cũng nhận ra rằng không cần quần nọ áo kia mà chính cái tâm trong sáng mới làm nên vẻ đẹp của con người; chỉ cần bộ đồ tươm tất là ổn, các bà các cô sẽ không còn đau đầu lựa chọn mặc đồ gì mỗi khi đi ra đường nữa…
– Mất đi sự tham ở: người ta chợt nhận ra không cần phải cứ nhà to, nhà đẹp mới ở được ? Như sư Minh Tuệ thì đâu cũng là nhà, gốc cây cũng là giường, còn mình thì chỉ cần có chỗ nương thân, 2m2 đủ chỗ nằm không mưa nắng cũng ổn rồi? Liệu có cần lao tâm khổ tứ để kiếm nhà to, nhà đẹp, đã có nhà to rồi muốn nhiều nhà nữa, dối dân lừa người để vơ vét rồi cuối cùng cũng chỉ cần 2m2 cho chỗ nằm cuối cùng, có mang theo được gì đâu ?
– Mất đi sự tham danh, tham lợi, tham tiền, tham chức tước: có thể người ta chợt nhận ra rằng tất cả những thứ đó đều là vô thường, không cần nắm giữ, không cần cầu cạnh, cứ sống tự nhiên như sư Minh Tuệ, tâm sẽ bình an, hạnh phúc sẽ tới.
2. Sư Minh Tuệ MẤT đi cái SÂN
Hình ảnh sư Minh Tuệ luôn luôn vui vẻ với mọi người, dù ai có làm gì ông thì sư vẫn cúi đầu “A di đà Phật” và cầu phúc cho họ, cho chúng ta thấy cuộc đời mới tươi đẹp làm sao; tức giận ghen ghét để ở trong lòng chỉ tự mình làm khổ mình, cứ sống như cây, như hoa, sẵn sàng đón nhận tất cả những điều gì xảy đến cho mình với một tâm thái bình yên; như mặt đất kia nếu người ta có đổ phân lên thì một thời gian sau cây cỏ chỗ đó sẽ trở nên tốt tươi hơn.
3. Sư Minh Tuệ MẤT đi cái Si
Theo cách giảng của kinh Phật: “Si” là si mê, vô minh, ngu tối. Người vô minh không sáng suốt, không suy xét hiểu biết đúng lẽ phải, đúng sự thật để phán đoán việc hay dở, tốt xấu, lợi hại v.v… nên mới làm những điều nhiễm ô tội lỗi, có hại cho mình và người. Si, vô minh theo thế tục gọi là “dại” hay “ngu”. Vô minh che lấp tâm trí, làm cho con người không còn nhìn thấy được những chất bợn nhơ đang gậm nhấm từ bên trong con người khiến các thói hư tật xấu ấy sẽ tăng dần và cuối cùng đưa con người vào con đường tội lỗi triền miên. Đức Phật dạy rằng vô minh là điều ô trược tệ hại nhất. Hãy dứt bỏ vô minh để trở thành người trong sạch.
Sư Minh Tuệ đã làm cho người ta bừng tỉnh về thế nào gọi là “TU”, phân biệt rõ giữa “thầy tu” và “thầy chùa”: “Thầy tu” là người sống nghiêm túc theo giáo lý của Phật, chuyên tâm học hành, giữ giới để đạt được mục đích giác ngộ giải thoát, ra khỏi sinh tử luân hồi. Còn “thầy chùa” là những người khoác trên mình cái áo nhà sư, ở trong chùa nhưng không tu, tìm mọi cách trục lợi cho bản thân bằng cách kêu gọi cúng dường, kinh doanh tâm linh…
Mình nghĩ, những thứ trên không thể “MẤT” ngay hết được (nếu MẤT được thì đã giác ngộ rồi ), mà mỗi người MẤT đi một chút xíu, giảm đi được một ít thì cuộc sống đã tươi đẹp lên nhiều rồi.
Bản thân mình thì khi nhìn vào sư Minh Tuệ, chiêm nghiệm và “ngộ” ra được nhiều điều…
…Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi…
Để một mai tôi về làm cát bụi…
Ôi ! Cát bụi tuyệt vời …. (TCS)
Ghi chú: có câu hỏi là “Tại sao Ông Minh Tuệ đã đi bộ như thế 6 năm rồi, cũng đã có nhiều youtuber đăng lên mạng xã hội, nhưng nay sư mới được người ta chú ý, ngưỡng mộ ?” . Theo tôi thì như thế này: ví dụ như cây hoa hồng, nó vẫn ở đó, xanh tốt, có thân, lá và gai, người ta cũng thấy nó, nhưng chỉ thấy thế thôi, không có gì đặc biệt cả; nhưng bỗng một ngày, từ thân cây ấy nở ra một bông hoa rực rỡ, thế là thu hút mọi ánh nhìn, bướm ong bay đến thưởng thức hương thơm, người ta cảm thấy bản thân mình đẹp hơn khi ở gần bông hoa ấy.
Có thể sau thời gian tu hành khổ hạnh nghiêm túc, sư Minh Tuệ đã “nở hoa” Giới – Định -Tuệ ?