Sư Minh Tuệ – Chết là không hết

5/5 - (3 bình chọn)
Với độ dài năm mươi phút về sư Minh Tuệ dưới đây, của một bạn youtuber có tên là Nhân Gà Vlogs, phát hành đã bảy tháng trước, nghĩa là vào khoảng những tháng cuối năm hai ngàn không trăm hai mươi ba.
******
1.
Hỏi: Vạch cuối cùng của con người chúng ta, đó là cái chết. Vậy, làm như thế nào để ta không còn cảm thấy sợ chết nữa?
Đáp: Ai rồi cũng phải chết thôi. Như Lai đạt thành Kim Cương, rồi cũng phải vô thường, chết. Chỉ khi đạt đến Niết Bàn, thì không còn lo chết nữa. Nhưng Niết Bàn thì cũng không phải đã hết, đã chấm dứt. Nơi đó, vẫn có cảnh giới riêng, nhưng an lạc, không đau khổ nữa. Chỉ những người ly tham, từ bỏ tham sân si, dục lạc, hiểu biết lời Phật dạy, mới giải thoát. Mọi phấn đấu, đều hướng đến con đường ấy, không sanh, không già, không chết. Còn người chúng ta đây, sanh ra, chắc chắn sẽ chết. Mà chết thì đau khổ, vật vã. Chính con đây cũng sợ chết, nên con mới lo tu hành, để khỏi phải chết, phải đau nữa.
******
2.
Hỏi: Vậy, có phải mục đích mà thầy đang tìm kiếm, là khi bỏ xác này, sẽ không tái sanh nữa?
Đáp: Con từng bị sét đánh chết. Con từng thấy sự chết. Đó là một không gian trống rỗng, không có ai với mình cả. Mình nhìn thấy họ nhưng họ lại không thấy mình.
******
3.
Hỏi: Thầy từng bị sét đánh?
Đáp: Vâng. Khi đó, con cảm nhận được sự xuất tâm, xuất nghiệp, ra khỏi. Xác thì họ khiêng đi. Con lúc đó, lơ lửng, lang thang, biết mình chưa chết, chưa tái sanh nhưng cũng không còn biết đường đi, lối lại. Nó không giống với câu mà người đời thường nói, chết là hết. Chết không hết. Chết vẫn còn. Khi chết, nghiệp dẫn mình đi. Nếu làm được nhiều công đức, thì được hưởng sung túc. Trong đời, nhiều người làm to, có chức quyền, cũng là do đời trước họ tích phước, tích đức. Công đức ấy, không chăm lo, khi hết, vẫn bị đọa xuống địa ngục, không ai thoát, kể cả vua chúa, kể cả thiên chủ Sakka, thiên chủ Đế Thích, cũng vậy thôi. Sống có lâu đến bao nhiêu thì cũng chết. Mọi người thường không biết điều ấy. Nhưng thật ra, nhờ không biết điều ấy, nên mọi người mới an tâm sống, không sợ hãi. Bình thường, thì như con lúc này, cũng đi làm, cũng đi uống cà phê, cũng đi chơi và vui vẻ. Nhưng vì con biết, chết không là hết, nên con mới lo, con mới sợ. Con biết là con có mang nghiệp xấu, con có từng tạo nghiệp xấu.
******
4.
Hỏi: Khi bị sét đánh, thầy đã chết lâm sàng trong bao lâu?
Đáp: Mấy phút. Đường điện chạy vào mình nhanh quá, tâm thức của mình bị bật ra. Mình vẫn nhận biết trong sự lơ lửng. Sau lúc ấy, con biết sợ, biết lo tu hành. Thường thì sống ở đời, khi mình có tiền, mình có nhà cửa, đất nước không chiến tranh, rồi mình cứ thế an hưởng, mình không nhận ra được khổ đâu. Cơm ăn đầy đủ. Công việc ổn định. Mọi thứ không thiếu thốn gì. Mọi người còn có thể đi du lịch, thưởng ngoạn chỗ này, chỗ kia, thì làm sao nói khổ được. Đó chỉ là trước mắt thôi. Còn những cái khổ sau, thì mọi người không nhìn thấy.
******
5.
Hỏi: Nghĩa là, những hưởng lạc ấy, chỉ là sự thấy trước mắt? Vậy, nhìn hiện tại, có thể đoán được tương lai của mình không?
Đáp: Dạ, nghe lời Phật dạy trong kinh, sẽ thấy ra quá khứ, vị lai, sẽ thấy ra nghiệp đi như thế, con đường như thế, đời nay như thế, đời sau như thế, sẽ biết liền hà. Ai ở trong đời bố thí, giữ năm giới, thì đời sau sẽ được tái sanh lại làm người hoặc lên cảnh thiện thú. Còn trong đời không làm gì, thì việc đọa địa ngục sẽ chắc chắn. Tương lai của mình là thế, không chạy đâu được. Tu hành như con, đời sau, có được lên trời, hay làm vua, hay chức to, hay giàu có, hay có nhiều người hầu hạ, con cũng không đam mê, con chỉ thích được giải thoát. Chớ cứ lòng vòng, thích làm vua, được làm vua, hết phước xong lại đọa địa ngục, như thế cũng chán lắm, chỉ muốn thiền định giải thoát. Và thiền định giải thoát, như con lúc này, con cảm thấy hạnh phúc lắm. Hạnh phúc hơn khi con chưa xuất gia. Người ta thì hạnh phúc với ngũ dục thế gian nhưng với con, con lại tìm được lạc thú trong thiền định. Đạt được ly dục, ly ác, bất thiện, thì chắc chắn không còn khổ nữa. Lúc ấy, tràn ngập một trạng thái hỷ lạc. Lạc này, hơn lạc thế gian rất là nhiều. Lạc ấy, là lạc bậc thánh. Nên học để biết, để được an trú tốt đẹp hơn. Cái ngủ của con cũng trở nên yên hơn người đời thường. Sống trong cảnh giàu sang, nhà lầu, xe hơi, ngủ máy lạnh, nhưng đêm nằm lại nhiều lo lắng, không an giấc. Còn con, ngủ bờ ngủ bụi nhưng rất yên. Tuy nhiên, con cũng không thích ngủ nhiều. Ngủ nhiều cũng là một dạng của si mê. Con ngủ ít, tập tỉnh giác, tỉnh thức, đạt giới luật của thiền định cho tốt, đó là điều quan trọng.
******
6.
Hỏi: Sau khi thầy bị sét đánh, thì thầy nhìn ra được những điều mà thầy vừa kể?
Đáp: À chưa, đó là vào năm 2006. Sau đó, con đi thực hành nghĩa vụ quân sự. Mười năm sau, 2016, con bắt đầu tìm hiểu về Phật pháp. Khi con biết về Phật pháp rồi, con mới nhớ về lúc ấy, hình dung lại và hiểu ra. Đức Thế Tôn từng nói trong kinh về những trường hợp này.
******
7.
Hỏi: Trong đời sống bình thường, khi con gặp người hay cảnh nào đó, mà con có cảm giác như, con đã từng trải qua cảnh này rồi. Đó là gì?
Đáp: Có thể đó là cảnh đời trước của mình, nếu đó là cảnh, hoặc từ nhiều đời trước, mình đã từng quen, từng thân, từng là cha mẹ, vợ chồng, con cái, lưu lại trong tâm thức, bây giờ gặp lại thì thấy thân thiện, thân quen. Hoặc giả, đó là kẻ thù mình, thì mình cảm thấy rợn tóc gáy. Tất cả, đều do nhân duyên đời trước từng hội họp, từng trải qua ái biệt ly, chia ly, nên bây giờ tái sanh lại. Chẳng hạn như ngày xưa, anh và con là bạn bè thân thiết, khi tái sanh, anh một đường, con một đường, khi gặp lại nhau, bỗng như cảm thấy có một sự thân quen. Từ những cảm thấy như vậy, mình mới nhận ra, có đời trước, có đời sau, có tái sanh. Nếu không từng có gì với nhau, sẽ không xảy ra những giao cảm ấy.
******
8.
Hỏi: Trong quá trình tu tập, thầy có bị thế giới kia phá thầy không?
Đáp: Con không thấy điều đó, bởi vì con cũng chưa đủ thiên nhãn và sự thanh tịnh để thấy. Đôi khi, con cũng có những cảm nhận khang khác, nhưng khi ấy, con xin: con đang tập học. Bằng như, họ phá, thì con cũng chịu thôi. Họ vô hình, mình đâu có cách nào. Trong kinh thì nói có. Nhưng con thì chưa thấy, nên con chưa biết. Những chuyện như vậy, thường, không ai tin. Như thầy sư kia nói đó, có con rắn bay phát sáng, và từng nói chuyện với nó. Nhưng người đời ai tin cái đấy. Khi không hiểu, họ sẽ cho đó là hoang đường, bịa đặt. Con không muốn xúc phạm ai cả. Con chỉ tin, mọi thứ đều hiện hữu, chỉ do mình mắt thường, nên mình không nhìn thấy thôi. Dục giới của mình chưa tu tới, tâm của mình cũng bất tịnh, nên chưa thấy thôi. Phải có thần lực, mới biết. Phải biết có, mới sợ hãi và lo tu hành. Nếu đời này, mãi mãi không có chết, thì con dại gì mà phải đi tu. Ví dụ, anh nhìn một con chó, anh cảm thấy sao nó khổ quá. Nhưng ở vị trí con chó, thì nó lại không thấy nó khổ, nó không biết nó khổ. Có những con đặc biệt, nó nhớ được đời sống của nó, nó biết được sự khổ, thì nó chảy nước mắt. Đa phần thì không biết. Hoặc ví dụ, kiếp trước của anh ở cõi trời, kiếp này anh nhận ra được thì anh mới thấy, kiếp này, sao khổ sở, đau nhức, bệnh tật, làm ăn khó khăn, rồi thì vợ con, nhà cửa, phải bon chen, mệt mỏi quá, vàng ở đây thì kiếm hoài chẳng có, chớ vàng ở cõi trời, ý nghĩa gì đâu. Chó, bò nó đâu biết nó khổ. Nó cứ trôi, lăn trong ấy mãi, ai cứu nó ra được bây giờ. Những súc sanh như vậy, bố thí không được, tu thiền không được, giữ giới cũng không, nên cứ trôi miết, mạt đời mạt kiếp trong đó. Như con, may mà thoát được cảnh nhà, may mà biết được Phật pháp, biết được sự tu hành, để tránh khỏi vui chơi, đọa lạc. Vào đọa lạc rồi thì sẽ khổ vô biên. Giống như trò chơi của ma vương, bạn dục lạc, thì bạn phải chấp nhận sau này rơi vào cảnh đấy; bạn chém giết súc sinh, thì sau này, bạn cũng phải làm thân cho người khác chém giết. Chấp nhận như thế thì vào, cùng chơi. Luân hồi mà, nhân quả sẽ như vậy thôi. Mình làm thân người, mình bắt cá, con cá nó không chống được mình, thì rồi sẽ đến lúc, mình bị đẩy vào hoàn cảnh đó, để trả nghiệp lại cho họ.
******
9.
Hỏi: Thầy giải thích và cho con ví dụ về nhân quả?
Đáp: Trồng cây xoài, thì tương lai, cây sẽ ra trái xoài. Trồng chuối, sẽ ra quả chuối. Muốn cầu có được lõi cây thì không thể trồng xoài, trồng chuối. Có duyên mới được. Như con bây giờ, cầu giải thoát thì con phải đi theo con đường Phật dạy, tứ diệu đế, bát chánh đạo. Con đường đó mới sanh được lõi cây, gieo nhân duyên vào đó, mới thành. Giả như bây giờ, con đi theo con đường tu thần thông, tu tiên, thì con sẽ không gặp được lõi giải thoát. Hoặc con đi học đánh bài, con đi học đấm đá, thì quả của con là tiền bạc, chớ quả không thể là lõi giải thoát. Mình phải gieo nhân có lõi. Nhân nào quả nấy. Do quyết định của mình gieo. Con không gieo tu hành thì không ra nhân tu hành. Ví dụ như con bây giờ, sống được khổ hạnh, như thế này cho đến hết đời, chưa giải thoát thì đến đời sau, con sanh ra, duyên con đã gieo, nhân này vẫn tồn tại, không bao giờ mất trong tiềm thức của con. Khi con nhớ tới tu hành, con sẽ nhớ ra, từ nhiều đời trước, con đã từng ngồi trong hang đá mà tu hành như thế này rồi. Nó thuộc về Ba La Mật. Con tu như thế này đã từ nhiều đời nhiều kiếp rồi, thuần thục rồi, khổ hạnh, ăn ngày một bữa, giới luật tròn đầy, không chỉ một lần, mà đã nhiều lần, không chỉ một đời, mà đã nhiều đời nhiều kiếp. Đến khi việc tu đầy đủ công năng, sẽ dễ thành giải thoát. Ba La Mật đã được huân tập, kham nhẫn, bố thí, đã được tích lũy, gieo duyên, việc tu sẽ không mất, sẽ không quên. Ngược lại, ta vui chơi, ca hát, nhảy múa, thì cái nhân cũng sẽ đi theo những việc ấy thôi mà tái sinh, vào luân hồi, không thoát được, nhân nào, duyên nào, quả nấy. Tất cả do ý thức của mình quyết định. Tỉ dụ như con đang tu hành thế này, là nhờ nhân quả của ai đó hé mở cho con. Nếu con không biết, thì con vẫn lao đầu vào, con làm việc, con lấy vợ, con sinh con, thấy cha mẹ cũng vui vui, bạn bè cũng thế, chẳng qua chỉ gặp gỡ nhau, hết cuộc sống thì lại đọa. Mình không biết đường đâu mà gieo trồng, quả đó, tự xã hội sắp xếp, thúc đẩy như thế. Nhưng mà bây giờ, khi mình biết, ở nhà, mình lấy vợ vẫn được, làm ăn cũng vẫn được, nhưng mình lại quyết định tu hành, thì quả ấy là do chính mình lựa chọn, quả ấy là do mình cố tình gieo, vì con cảm thấy, nó là tối ưu nhất, nó sẽ tốt đẹp hơn. Cũng lại có trường hợp do nghiệp ngăn cản. Ví dụ như, vị ngộ chánh đã thiệt tâm tu hành, nhưng cha mẹ cứ đi tìm về, thì đấy là do nghiệp duyên của mình cản trở.
******
10.
Hỏi: Mình muốn đi đến con đường tu tập, nhưng do nghiệp còn, nên mình bị kéo?
Đáp: Bị kéo, và cũng do mình yếu. Nếu mình mạnh, thì cho dù người thân có lôi kéo kiểu gì, mình cũng vẫn không về, mình chiến thắng được bản thân mình, những ái kiết sử (*phiền não, chướng ngại trong nội tâm) không làm gì mình được nữa, không ai có thể tước đoạt con đường giải thoát của mình được. Cha mẹ ở nhà, họ có thể cho con nhà cửa, tiền bạc, đất đai, hoặc tạo điều kiện cho con lấy vợ, sinh con, hoặc giúp đỡ cho con, nhưng đi theo con đường ấy thì con không giữ giới luật được, sẽ phạm giới, sát sanh, không thiền định được. Mình trình bày với họ, mình cần được thiền định, trí tuệ và giải thoát, mình không thể học pháp khi lấy vợ và sinh con. Điều này, cũng cần duyên của họ nữa. Chớ đi tu hành như thế này, không phải là ai muốn cũng được đâu, cần có nỗ lực của bản thân, cần chịu được khổ, muỗi mòng rồi rắn rết, cả chuyện người ta gây khó khăn cho mình nữa. Tu hành thì có nhiều con đường, không nhất thiết là ở chùa, không nhất thiết là ở rừng núi, tùy theo cái hạnh nguyện của họ. Nhiều khi đi khất thực, người ta cũng không cho, hoặc cho ít, hoặc họ khảo mình, hoặc ma tới, họ cho mình những thứ mình không ưa thích. Người nào không kham nhẫn được thì bỏ về. Do mình không thắng được nghiệp lực.
******
11.
Hỏi: Thầy đi theo con đường bát chánh đạo, thầy có niệm chú không?
Đáp: Đó là bảo vệ chánh pháp, chẳng hạn như kinh Diệu Pháp Liên Hoa hoặc kinh Đại Thừa. Mình cũng chưa hiểu hết được những chú thuật được dùng để bảo hộ cho người thực hành pháp. Chẳng hạn, nếu có ai phá phách họ, cản trở họ thực hiện con đường tu hành, họ sẽ đọc chú đó, để bảo vệ cho vị pháp sư đó. Đức Thế Tôn dạy trong kinh rằng, không nên chú thuật. Chú thuật mà ẩn đi thì tốt đẹp, như nữ nhân mà ẩn đi thì tốt đẹp. Chánh pháp mà hiện ra thì tốt đẹp. Đi theo bát chánh đạo, con không chú thuật. Nếu có chú thuật, thì chú thuật không phải là đọc lên để hại hay bảo vệ. Chú thuật Phật dạy là không sát sanh, không trộm cắp, không tham dục, không nói láo, đó là chú thuật. Đức Thế Tôn nói, những chú thuật ấy, giúp ích người tu hành, bảo vệ người tu hành, đem lại giới luật của bậc thánh viên mãn, thiền định, trí tuệ. Con thường tụng, trì chú, tán thán chú thuật ấy, khuyến khích người khác giữ gìn. Còn các chú thuật khác, con không biết.
******
12.
Hỏi: Cuộc sống ở bên ngoài, người ta thường sợ hãi rất nhiều thứ mà họ không thấy được. Vì vậy, họ thường nhờ các vị sư, ban một phước nào đó, vào sợi dây, để họ mang vào người, để họ có cảm giác được an tâm hơn. Nếu như, nhờ thầy, thầy có làm điều đó không?
Đáp: Đạo hạnh tu hành của con thì cũng chưa có để mà ban. Những vị có đại thần lực, đại thần thông, thì họ ban được. Những người tâm bất an, hoặc bị các thế lực ở bên ngoài quấy nhiễu, hoặc bị quỷ thần phá, thì chỉ có những vị công năng, đức độ mới ban được cái gì đó để mà an tâm. Còn con thì chỉ có thể khuyên, cố gắng làm điều thiện, giữ giới luật, làm những điều tốt, quỷ thần chọc phá thấy mình làm được những điều đó, họ sẽ bỏ, họ không hại nữa, thì được an. Mình tự ban cho mình. Con cũng vậy.
******
13.
Hỏi: Nghĩa là mình cứ làm việc thiện lành, thì các thế lực kia sẽ bỏ qua cho mình?
Đáp: Khi mình tu hành, có được chút phước, giới luật có, thiền định, công đức có, thì tự nhiên, nhiều vị họ đi theo hộ trì, giúp đỡ, họ không chỉ ban cho con sự an tâm, mà còn cho cả họ, sự an tâm ấy. Còn khi mình làm điều ác, những vị đó họ bỏ đi, họ không ở với mình nữa. Đó sẽ là cơ hội cho những quỷ thần khác tới xâm chiếm, làm hại, quấy nhiễu đủ thứ, làm cho mình không ra gì cả, khổ đau. Thiện nghiệp càng tăng thì ác pháp đẩy lùi. Pháp thì con chưa tu chứng nên con không nói pháp được, con chỉ có thể chia sẻ: có niềm tin ở Phật, Pháp, Tăng, lên đường tu hành. Kinh sách thì bây giờ có sẵn. Mọi người học kinh sách, nghiên cứu kỹ càng, nếu hữu duyên, cứ noi gương Phật và các bậc thánh, lên đường học tập cho mình thôi. Bất kỳ, ai có duyên thì vào chùa, ai có duyên thì rừng núi. Trong chùa có tông phái, mình cứ theo, ý thức học tập, làm việc, miễn sao xác định cho mình được một con đường giải thoát sự khổ. Chớ con bây giờ cũng không thuyết pháp được. Giả dụ bây giờ họ hỏi con, ông lên núi ở như thế, tu như thế thì đã hết tham sân si chưa? Con trả lời: Chưa. Thế thì cũng giống như tôi thôi chớ có gì khác đâu. Thật ra, so với người đời, bây giờ con cũng giảm nhiều rồi. Con đã bỏ đi nhiều thứ tham so với ngày xưa: tham điện thoại, tham xe, tham uống bia uống rượu, chơi bời. Nếu chưa hết tham sân si thì chưa thể giải thoát, nên con sẽ phải tiếp tục học nữa, siêng năng, không nghĩ đến việc chạy về nhà với cha mẹ. Cha mẹ già, đến một lúc nào đó, cũng sẽ chết. Con cũng vậy, đến một lúc nào đó, con cũng chết thôi. Không ai sống mãi. Chỉ là, trước khi con chết, thì con gom góp, bòn mót một chút phước đức, công đức, trước khi cái thân này bỏ. Chớ nếu con mượn cái thân này để vui chơi, đến khi con già, tích phước sẽ không còn kịp nữa. Mình làm sao có thời gian lên rừng hành trì, thiền định để dứt được phiền não nữa. Thân này, Phật nói là thân bất tịnh, vô thường, nhưng trước khi mình rời bỏ nó, mình cũng học, để đời mình có chút ý nghĩa, và cũng chính là, con muốn đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ con, không còn nợ nần, giải thoát sự khổ. Tuy tham sân si con chưa diệt đoạn, nhưng việc tu tập thì con đã quyết chí rồi, không quay về nữa. Duyên tới, công đức đủ, Ba La Mật đủ thì sẽ giải thoát thôi.
******
14.
Hỏi: Cho con xin phép được để cái bình (nước) ở đây được không, để nhỡ như các vị sư đi qua, họ có dùng thì họ dùng, hay thầy muốn con mang đi đâu. Con cũng không biết phải mang đi đâu nữa.
Đáp: Đây là duyên của anh. Anh cứ nguyện, anh mang lên là để cúng dường cho chư tăng, rồi anh đặt ở đó, tâm mình như thế, mình nghĩ như thế. Nếu anh nói, anh cho con, thì con nói, con không uống. Nhưng nếu anh nói, dành cho tất cả các sư và người đi rừng, ai cần thì cứ uống, thì con sẽ nói với họ như vậy. Chớ nếu không nói, thì các sư sẽ chẳng ai dám dùng đâu. Các vị trên này, đều giới luật rất nghiêm khắc. Tất cả họ đều là những bậc hòa thượng, đại đức đáng kính. Chỉ con là người đang tập học, thì khi anh hỏi chuyện, con mới nói thôi. Còn các vị sư khác, họ đều tu hành lâu năm, kinh nghiệm sâu dày, viên mãn hết cả, họ không nói nhiều như con đâu. Con là thùng rỗng kêu to thôi. Chỉ là mình có đủ hữu duyên để gặp hay không thôi.
******
15.
Hỏi: Có phải khi tu tập thế này, có những giai đoạn, mình không thể nói chuyện, có phải không thầy?
Đáp: Nói chuyện hay không nói chuyện còn tùy thuộc vào pháp môn thọ trì, vào việc phát nguyện, hoặc độc cư mấy tháng, mấy năm, hoặc tịnh khẩu mấy tháng, mấy năm. Khi họ cảm thấy tham sân si hay lậu hoặc vẫn còn, thì họ sẽ tự nhốt họ lại, vào thiền định để tăng công đức của mình lên, tu hành hơn nữa, miên mật hơn nữa, để thành tựu hơn nữa, để chứng đạt những điều mà họ chưa chứng đạt. Nhưng nguyên lý chung đều là, lấy thiện để thắng ác. Thiện càng nhiều thì ác sẽ bị tiêu diệt. Nếu cảm thấy, tu im lặng, tu không nói chuyện với ai, điều thiện được tăng lên, ác giảm đi, thì nên làm. Tùy theo, nhưng tu không có bắt buộc tịnh khẩu, con cũng vậy, tu như con không bắt buộc phải tịnh khẩu.
******
16.
Hỏi: Con thấy trên núi này, rất nhiều sư tịnh khẩu.
Đáp: Ô, họ đều là những đại sư cả. Con chỉ là tiểu tập nên con không tịnh khẩu. Tuy vậy, khi con nói điều gì, cũng chỉ là trình bày hiểu biết, sự tích lũy và quan điểm của riêng con, biết đến mức độ nào, thì con cũng nói đến mức độ đó và con cũng không phê bình đúng sai. Con luôn mong cho mọi người được hạnh phúc. Con tu hành không vì danh vì lợi, không tu giả, và cũng không lừa đảo ai. Con chỉ cầu giải thoát. Con cũng hiểu thêm rằng, nếu chính con hạnh phúc thì mọi người chung quanh con mới được hạnh phúc, điều đó có liên đới, liên quan tới nhau. Vì tất cả đều có nhân, có duyên. Con cũng mong anh và tất cả mọi người được hạnh phúc và vui vẻ. Cũng có rất nhiều người nghĩ, có lẽ con bị bệnh, có lẽ con không bình thường, có lẽ con điên, con khùng. Họ gọi con là thằng điên, thằng khùng. Nhưng con cũng vẫn vui vẻ. Chẳng qua là vì họ chưa hiểu. Tự con biết con, đang làm theo lời Phật dạy, con có hiểu biết đầy đủ thì con mới thực tập tu hành. Con cũng thưa với anh, tất cả mọi điều trên đời, phải đủ duyên mới được. Có rất nhiều người muốn tu hành lắm nhưng lại không được. Nghiệp chưa cho. Tu, phải an trú, phải hoan hỉ, phải thích thú, mới tu được. Áp đặt thì không tu được.
******
17.
Hỏi: Kiếp này, chắc con không đủ duyên để tu. Nhưng con sẽ tạo nhiều phước để sang những kiếp khác, con có cơ hội tu.
Đáp: Tất cả mọi cái trong thế giới này, trong cõi đời này, cũng khó nói lắm. Như con đây, con tu hành đây, nhưng chưa chắc con đã được giải thoát trước anh. Tu hành liên quan đến tất cả việc học tập và Ba La Mật của mình qua nhiều đời. Ví dụ như đời này, anh bố thí, cúng dường, quảng bá Phật pháp. Chết đi, anh tái sinh vào đời sau, lại bố thí, lại cúng dường, lại quảng bá Phật pháp. Đủ phước, anh sẽ được giải thoát, có khi trước con. Đừng nói con, ai cũng vậy thôi, tu mà đi lệch đường, tu không đúng lời Phật dạy, tà kiến, ham danh ham lợi, vẫn rơi địa ngục như thường. Có một điều như thế này, cuộc đời, theo như con biết, là một trò chơi thôi, tất cả đều bình đẳng trong trò chơi đó. Ví dụ, con tu giả, con không tu hành thật, không tu theo giới luật. Con cạo đầu, con khoác chiếc áo cà sa, để cầu người ta bố thí. Người ta, với lòng thanh khiết, bố thí cho con một cái bánh mì, người ta được rất nhiều phước. Nhưng con, ngay sau khi con ăn cái bánh mì đó, lập tức, con lao đầu xuống địa ngục liền.
******
18.
Hỏi: Bây giờ cũng tối rồi, con xin phép thầy, con xuống núi. Vì con biết, con là người tục, thầy là người tu, việc sử dụng thời gian cũng rất khác nhau. Con không dám quấy rầy việc tu hành của thầy nữa. Con biết ơn tất cả những lời chia sẻ của thầy, biết đâu, những lời chia sẻ này, sẽ giúp rất nhiều cho những người còn đang bế tắc trong cuộc sống, cho họ được nương tựa vào, cho họ có thêm động lực sống. Và đây cũng chính là mục đích của con, khi con đi tìm các nhà sư để xin được hỏi han, trò chuyện. Con xin thầy hoan hỉ. Nếu con có gì sai, xin thầy bỏ qua cho con.
Đáp: Vâng, anh về lo việc của anh ạ. Mai này, con chọn lối tu độc cư hay con bộ hành, thì có thể, anh cũng không gặp con nữa. Trong cuộc đời, ai cũng đều có cả đúng và sai. Việc nương tựa, xin anh cứ nói với mọi người, tìm về thiện, về giới luật, về Phật pháp mà nương tựa. Đó chính là chỗ nương tựa chắc chắn nhất. Chớ còn những gì mà con nói chuyện cùng anh, chỉ là quan điểm cá nhân, là tư kiến của con thôi. Anh cũng vậy ạ. Cứ làm việc thiện, bố thí cho nhiều, nhất là với những vị tu hành và người già, sống giữ giới, thì anh sẽ nhận nhiều điều tốt đẹp. Làm được như vậy, chắc chắn anh sẽ không nhận quả khổ đâu. Còn về việc chia sẻ, trên mạng có rất nhiều kinh sách và các bậc thầy giảng pháp, thuyết pháp. Con trên đường tu như thế này, con cũng sẽ thường không nói đến kinh sách. Pháp, phải tự mình học tập mới có.
******
Video được kết thúc với lời chúc quen thuộc mà chúng ta thường nghe từ sư Minh Tuệ, đó là: cốt lõi, với con, tất cả mọi người được hạnh phúc là tốt đẹp rồi.
Sài Gòn 25.06.2024
Phạm Hiền Mây

Read Previous

Sư Minh Tuệ học kham nhẫn, rèn luyện kham nhẫn

Read Next

Sư Minh Tuệ – Biểu tượng thiện lương trong nghệ thuật

5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Most Popular

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x