MINH TUỆ NGỮ LỤC (2)
(明 慧 語 錄 )
Ngữ lục 語錄 là chỉ các sách ghi chép lời nói pháp của các Thiền sư. Khi nói pháp, các Thiền sư “không dùng những lời văn hoa bóng bảy mà dùng những từ ngữ bình dị để nói ngay vào tông chỉ, sau đó, các đệ tử hoặc người tham học mới sưu tập, ghi chép lại thành sách, gọi là Ngữ lục”. Thể loại NGỮ LỤC bắt đầu thấy có từ Ngài Lục Tổ Huệ Năng người Lĩnh Nam ta với “Pháp bảo đàn kinh”.
Trên tinh thần đó, dưới đây là MINH TUỆ NGỮ LỤC, được Nữ sĩ Phan Hiền Mây công phu nghe và gỡ băng tiếng do Youtuber Nhân Gà Vlogs thực hiện, thành văn bản. Chúng tôi copy từ FB của Nữ sĩ Phạm Hiền Mây:
SƯ MINH TUỆ – MỤC TIÊU CỦA CON LÀ HỌC KHAM NHẪN, RÈN LUYỆN KHAM NHẪN!
Mở đầu video, là phần bạn Nhân Gà Vlogs, giới thiệu về núi Sạn, Nha Trang, nơi có nhiều cốc tu, và có cả một ngôi chùa. Bạn bày tỏ, khi nghe tin sư Minh Tuệ trở lại núi Sạn, bạn ấy cảm thấy mình rất vui và may mắn.
******
1.
Hỏi: Con nhìn thấy một con muỗi đang cắn thầy. Mỗi ngày, thầy bị muỗi đốt như vậy, có đau không ạ?
Đáp: Có đau, mà kệ nó. Mọi việc đều hữu duyên. Con mới từ Phan Rang về tới đây. Con lên đây để tìm sư Ngộ có chút việc nhưng không gặp. Vì vậy, anh mới gặp con ở đây, không thì giờ này con đang ở nghĩa địa rồi.
******
2.
Hỏi: Con không ngồi kiết già như thầy được, con chỉ ngồi bán già thôi. Con cố níu chân lên để vào đúng tư thế kiết già, nhưng bởi vì khớp chân con cứng quá. Sau hai, ba phút ngồi, khi đứng lên, con bị ngã.
Đáp: Ngồi kiết già khó, không phải ai cũng ngồi kiết già được. Tập xả bỏ. Con ngày xưa cũng như anh, chỉ ngồi được năm phút. Khi con xả bỏ rồi, con mới ngồi được. Mọi tập luyện, mọi chịu đau, đều cần tới hạnh kham nhẫn và xả bỏ. Đau quá, thì mình thả ra. Sau đó, mình lại cố gắng và duy trì tập luyện, khắc chế nó. cái nóng hay cái rát, cũng vậy thôi. Anh yên tâm, nó buộc phải theo mình. Đó là sự điều phục thân tâm. Nhưng nói cho cùng, ngồi sao cũng được, miễn là mình thấy an lạc, bình ổn, không khó chịu.
******
3.
Hỏi: Thầy là nhà tu hành, tại sao thầy lại xưng với mọi người là con? Câu xưng hô này có ý nghĩa gì?
Đáp: Mọi người chung quanh con, ai cũng giỏi hơn con cả. Họ đều là những bậc thầy xứng đáng để con noi theo. Có thể không phải là đời này, nhưng biết đâu, họ đã là thầy con, từ nhiều đời, nhiều kiếp trước? Ví dụ, ngày mai, ngày mốt, anh cạo bỏ râu tóc, anh tu hành, thành Phật đạo trước con. Thế nên, con sợ, con không dám xưng mình là sư, là thầy. Xưng hô đó, có thể khiến mình sai lầm. Xưng hô đó, chỉ chứng tỏ ngã mạn của mình mà thôi. Nếu mọi người hỏi con, sư, thầy, đã đạt được thành tựu gì? Con biết trả lời gì bây giờ. Chẳng qua, con chỉ là kẻ cạo bỏ râu tóc mình, chớ thành tựu, thì con chưa có. Con đang từ cái nhỏ nhất, hạt cát, hạt bụi, mà đi lên. Con biết, có nhiều người, đang tu, vẫn bị xã hội kéo ra. Bữa nay, xưng sư, xưng thầy giỏi lắm, chỉ sợ ngày mai, ngày mốt, lại chẳng ra gì. Cũng có thể, một mai, khi con giải thoát hoàn toàn, khi con thành Phật, con sẽ không xưng hô như vậy nữa, con sẽ thay đổi. Con cũng nguyện mong cho tất cả mọi người đều được giải thoát và thành Phật đạo. Ngược lại, họ muốn gọi con như thế nào là tùy ý họ. Kính trọng, tôn trọng, hoặc gọi con bằng mày, đều là quyền của họ. Mà biết đâu, đúng thì sao. Biết đâu, từ nhiều đời trước, họ đã từng có tu hành, và ngày mai, họ tiếp tục tu hành thành Phật, họ có gọi con bằng thế này, thế nọ, thì cũng đúng mà. Có nhiều người, gặp con bộ hành, họ hỏi, mày đi đâu đấy? Lại cũng có nhiều nhà, khi con đến khất thực, họ bảo: mày tới đây, thì mày phải nói, con cần gì, còn mày im lặng thế, ai biết mà cho. Con cũng biết điều này, khi muốn người ta tôn trọng mình, mình cần phải tôn trọng người ta. Nội điều tối thiểu là tôn trọng người ta, mà con còn chưa làm được, thì làm sao con học được cái cao hơn? Con cũng lại biết thêm một điều này nữa, khi đã tu thành, có thiền định, có trí tuệ, giữ được giới, thì những người từng bố thí cho con, đều không hề bị mất phước. Cũng có người nói thế này, thầy lớn tuổi hơn con, thầy xưng hô thế, tổn phước con quá. Nhưng không phải thế đâu, không phải cứ nhỏ tuổi hơn thì mới là con. Ngày xưa, nhiều Bà La Môn đã trăm tuổi, mà Phật mới có ba mươi mấy tuổi, nhưng Phật đã tu thành, thì trăm tuổi cũng phải xưng con với Phật. Việc xưng hô vì thế, tùy. Không cấm ai xưng thầy, và cũng không cấm ai xưng con. Chỉ cần sự an lạc và hợp lý, là được. Như ngay lúc này đây, con gặp anh, con xưng con với anh, con tự xét thấy mình không lỗi lầm gì với anh cả. Chớ xưng thầy, xưng bà, mai sau, anh thành tựu, đối diện với anh, con biết nói sao. Và việc con tự xưng mình là con như thế, cũng không hề làm anh tổn phước. Con tự xưng con là con, chớ anh đâu gọi con là con. Con lấy ví dụ thế này, anh đi trên đường, anh giẫm đạp kiến chết, anh không có tội. Anh cố tình anh giẫm đạp, thì cố tình ấy mới có tội. Không biết, không cố ý, không có tội. Tự các vị tu hành cảm thấy mình đã xứng đáng chưa, trong xưng và hô của mình, là được. Chớ để mắc lỗi lầm, là được. Luân hồi liên tiếp, nhỡ như, đứng trước mặt mình là một cậu bé, nhưng kiếp trước cậu ấy từng là một hòa thượng tu hành viên mãn, đức cao vọng trọng thì sao. Thế nên, con chọn xưng con, là mức thấp nhất, cho chắc.
******
4.
Hỏi: Các nhà tu hành xưa nay con biết, chỉ duy nhứt thầy là xưng con.
Đáp: Dạ, ngày xưa con mới ở chùa ra, con cũng xưng là sư. Sau này, con nhận biết được, con chỉ là kẻ tập học, con đã có thành tựu gì đâu, con đã có công năng gì đâu, con đã viên mãn đâu mà xưng sư, xưng thầy? Thế là, con không xưng như thế nữa.
******
5.
Hỏi: Từng có ai cúng dường đồ mặn chưa ạ?
Đáp: Dạ có. Khi họ cho thì con cũng thưa với họ, rằng con dùng chay chớ con không dùng mặn. Con thưa rõ, vì nếu con im lặng, con nhận về, rồi con quăng đi, người cho không biết, hôm sau họ lại cho tiếp thức mặn. Im lặng trong trường hợp này cũng là nói dối, nói láo. Phật thì không dạy phải chay hay mặn, ai cho gì dùng nấy. Nhiều phái tu hiện nay cũng vẫn ăn mặn. Con thì không ăn. Ngay cả những cái bánh được làm từ trứng gà, con cũng từ chối, con không ăn. Riêng con thì thấy, khi tu hành mà ăn mặn, thì chất protein (đạm) sẽ làm cho mình bất tịnh và gây đau khổ cho mình. Ăn chay, giúp giảm ham muốn, nếu có, mình cũng khống chế được.
******
6.
Hỏi: Ăn chay ở thời gian đầu, có khó khăn với thầy?
Đáp: Cũng khó. Nhưng vì con có niềm tin vào sự giải thoát. Con tin việc ăn chay này sẽ giúp con giữ giới, ly dục, từ bỏ ham muốn. Có niềm tin thì sẽ có kham nhẫn. Sự thích thú, sự ham ăn ngon, sự hưởng lạc cũng sẽ không khống chế mình được. Dùng chay, và vừa đủ, mọi ham muốn cũng ít đi, không còn khởi lên nữa. Mà khởi lên là khổ. Giống như dòng nước nhỏ và yếu, mình có thể đắp được, lấp được, chặn được. Chớ còn dòng nước mạnh, mình bỏ viên đất nào xuống là viên ấy trôi, khi mà nước mạnh quá, bỏ cục đá to, nó cũng trôi luôn.
******
7.
Hỏi: Con có đọc một số bài viết, pháp tu mà thầy đang tu hiện nay, sẽ có một khoảng thời gian, thầy phải ẩn mình ở trong rừng. Thầy có dự định đó không ạ?
Đáp: Ẩn mình trong rừng cũng thuộc về duyên, và tùy vào mức độ tu hành của mình. Những vị ẩn mình nơi thanh vắng, ẩn mình ở trong hang, không muốn gặp ai nữa, thường là họ đã đạt đạo, đạt ngũ thông, đạt thần thông. Họ vô cùng hạnh phúc và không còn muốn vướng vào chuyện thế gian. Khi tâm còn khởi lên dục tham, việc ở ẩn như vậy sẽ không có tác dụng gì cả, như con giờ đây vậy. Vì con chưa xả được dục tham, có trốn đi, có khóa lại, mười năm sau, cũng vẫn y hệt thế. Muốn ở ẩn, phải không còn tham sân si, không hôn trầm, không si mê, không nghi ngờ gì nữa.
******
8.
Hỏi: Việc thầy bộ hành và khất thực khắp các tỉnh thành, là vì thầy muốn giảm những sân si của mình ạ?
Đáp: Không nhất thiết phải bộ hành nhiều nơi để giảm sân si đâu ạ. Việc tu hành còn tùy theo duyên, tùy theo hành tướng của từng người nữa. Mục tiêu của con là học kham nhẫn, rèn luyện kham nhẫn. Kham nhẫn để vượt qua được những sân hận, si mê khi bị mắng nhiếc, mạ lỵ. Kham nhẫn sống cảnh không nhà. Sống trong khó khăn, khổ sở, để xem mình còn nổi sân không. Nếu vượt qua thì rồi chỗ nào mình cũng ở được, đô thị hay rừng núi, cũng không còn lo buồn, lo sợ. Việc bộ hành của con, giúp con rèn luyện, nhưng cũng không nhất thiết phải đi miết. Cũng có thể con sẽ vào rừng ẩn tu. Bộ hành hay ẩn tu, còn phụ thuộc vào phát nguyện của con nữa. Con đi như thế này là con đang cầu trí tuệ, cầu giải thoát. Nhiều vị tu hành khác, người ta không đi như con, người ta tu ở núi, và người ta cũng vẫn viên thành. Khi con đi như thế này, con xả bỏ nhanh hơn, con mạnh dạn hơn. Ngày xưa, tu hành trong thất sáu, bảy tháng ra, con vẫn không khắc chế được nỗi lo lắng, sợ hãi, con vẫn chưa kham nhẫn được. Ở đâu mà an trú, ở đâu mà không còn sợ hãi nữa, ở đó sẽ là nơi tốt nhất cho mình. Bộ hành là con cũng học theo trong kinh dạy, thánh tăng, họ vẫn đi từ làng này qua làng khác, vẫn lưu trú trong nhân gian. Phật cũng dạy là nên quân bình, không nên ở một chỗ quá lâu, mà cũng không nên đi miết, trú xứ mỗi nơi vài tháng. Ở lâu quá sẽ sanh y.
******
9.
Hỏi: Con biết có rất nhiều vị tu khổ hạnh giống như thầy. Và có rất nhiều người muốn đi theo để mà phụng sự hoặc làm đệ tử. Thầy có nghĩ, nếu đủ duyên, sẽ có một ai đó đi theo thầy không ạ?
Đáp: Dạ, có nhiều vị đi theo rồi. Nhưng họ không đi theo để làm sư phụ hay đệ tử gì cả. Con không nhận đệ tử. Con và họ đều là đệ tử Phật. Họ đi theo con là do hữu duyên. Có thể nhờ con đã từng bộ hành trước họ, nên họ muốn cùng tập học với con, cùng vượt qua những giai đoạn khó khăn, thử thách. Con cũng nói với họ, hãy nghe theo kinh sách, hãy làm đệ tử Phật. Chẳng qua là người đi trước giúp đỡ người đi sau, khi biết rồi, thì tự mình hành trì, tự mình đi. Nhưng không phải ai cũng đi được. Muốn đi mà cái chân nó không cho, nó đau. Chưa kể không kham nhẫn, không chịu được những lời nhục mạ, hành hung. Chưa kể đường xá bây giờ xe cộ nhiều, nguy hiểm, tai nạn. Thì nói họ bộ hành cùng con, cũng là việc rất khó. Đức Phật nói, mỗi người có mỗi hành tướng, nhân tướng, đặc tướng riêng, không ai giống ai cả, mỗi người mỗi sở nguyện. Nếu có duyên, có tương ưng, thì sẽ tu theo giới cùng nhau. Người tu về thần thông thì đi theo Moggalyana (Mục Kiền Liên) . Người tu về trí tuệ thì đi theo ngài Sariputta (Xá Lợi Phất) hoặc người khổ hạnh thì cứ đi theo ngài Ca Diếp.
******
Video dài bốn mươi phút, được phát hành trên kênh YouTube đã mười tháng trước.
Xem video này, chúng ta sẽ hiểu, thời Đức Phật, ngài không yêu cầu người tu hành phải ăn chay hay ăn mặn. Chay, mặn là sự lựa chọn tùy nghi. Và sư Minh Tuệ chọn cho mình phương pháp ăn chay.
Chúng ta cũng sẽ càng quý hơn nụ cười thường trực trên môi sư, bởi không phải lúc nào, sư cũng nhận được sự kính trọng, sự cảm thông, thương hiểu, chia sẻ và giúp đỡ của chúng sanh. Họ sẵn sàng nghi ngờ sư, cho sư là kẻ xấu, bởi vẻ bề ngoài, bởi hình thức, bởi cách ăn bận, và bởi pháp tu, xin ăn, khất thực của sư. Nhưng đáp lại với tất cả những khinh miệt, những hằn học, xem sư như kẻ vô lại, xúc xiểm, hằn thù, sư vẫn một mực niệm Phật, lui gót. Và khi được hỏi, sư vẫn cho rằng, sư bị xua đuổi, bị mắng chửi, bị hành hung, là vì có thể nhiều đời trước, nhiều kiếp trước, sư đã có lỗi lầm với họ. Cũng giống như việc xưng con với bá tánh, sư không dựa vào tuổi tác, vì biết đâu, cậu bé mười tuổi đang đứng trước mặt sư kia, đời trước, kiếp trước, đã là một vị hòa thượng tu viên thành, đức cao vọng trọng. Sư xưng con, còn là vì thấy mình chưa xứng đáng là sư, là thầy của người khác. Sư xưng con là vì thấy mình tầm thường, nhỏ bé, như hạt cát, hạt bụi. Con là mức thấp nhất trong mối quan hệ xã hội, và xưng như thế, là để cho lòng khỏi áy náy vì lo, biết đâu, mình đã vô tình mạo phạm, khỏi áy náy, vì thấy mình chưa xứng đáng được tôn trọng.
******
Cách đây một năm trước, khi các bạn youtuber đi theo và quay những video này, sư chưa là vị sư nổi tiếng, chưa là hiện tượng, chưa là sự kiện lớn và đặc biệt của Việt Nam, những câu hỏi và đáp, không hề được soạn sẵn. Ngay cả việc gặp giữa các youtuber và sư, cũng phải hữu duyên lắm mới đặng, thế nên, các video này, không hề dàn dựng.
Đúng như lời sư Minh Tuệ trải bày, sư biết gì thì nói đó. Không biết, sư sẽ nói rõ mình không biết. Tuy sư nói chuyện không trau chuốt, nhưng vẫn tỏ lộ đầy đủ sự hiểu biết về Phật học, Phật pháp, và là người minh bạch, thẳng thắn, không quanh co, không mê mị, không dọa dẫm, và nhất là, không dùng việc tu của mình để mưu lợi cá nhân.
Quý, chính vì lẽ ấy. Quý, chính vì chúng ta may mắn và hữu duyên khi được tận mắt chứng kiến việc tu học của một vị minh sư, hàng trăm năm, mới có, mới xuất hiện một lần.
May mắn này, thật đáng cho chúng ta trân trọng!
Sài Gòn 01.07.2024
phạm hiền mây