Ông Thích Minh Tuệ: Không phải Cao Tăng mà là Chân Tu

5/5 - (3 bình chọn)
Tôi gọi ông Minh Tuệ là “ông” mà không gọi là “thầy”, vì ông không tự xưng sư xưng thầy gì cả. Ông tự nhận mình đang tu học và không thuyết giáo, ông chỉ trả lời khi có người hỏi mà thôi.
• Vốn dĩ tôi cũng như nhiều người, cho rằng ông Minh Tuệ là sản phẩm bơm thổi của truyền thông mạng xã hội mà thôi. Nhưng đến nay, thì tôi đã có cái nhìn khác.
Tôi nhớ ông Ngô Bảo Châu có một bài viết có chút tranh cãi, trong đó, ông viết:
• “Từ khi biết đến sư Minh Tuệ, mình có thêm niềm vui là nghe những lời nói ngây ngô đáng yêu của sư. Nghe Minh Tuệ nói, xem sư đi lại mình cảm thấy tinh thần mình yên ổn, những điều ngây ngô sư nói làm mình cảm thấy yêu mến, kính trọng sư. Đám đông đi theo thấy có lẽ không đơn thuần vì bị kích động bỏi mạng xã hội mà có lẽ, cũng như mình, tin rằng đây là bậc chân sư.”
• Nhiều người không thích chữ “ngây ngô” ở đây. Tôi nghĩ nên viết là “ngây thơ”, “hồn nhiên” hay “chân chất”… thì hay hơn. Nhưng nhìn chung, thì tôi nghĩ ông Châu viết có lý, thậm chí là rất đúng.
Ông Thích Minh Tuệ không phải là một Cao Tăng.
• Ban đầu, tôi không đánh giá cao ông Minh Tuệ, vì ông không thuyết giáo, không lý luận gì cao siêu ghê gớm cả. Vì vậy ông không phải là một Cao Tăng.
• Những ông như Nhất Hạnh, Tuệ Sỹ… có thể gọi là những Cao Tăng. Họ là những học giả có trình độ cao, Phật học thâm sâu, đọc nhiều hiểu rộng, lý luận sâu sắc. Họ có thể được xem là những luận sư, những trí giả của Phật giáo.
• Ông Thích Minh Tuệ không thuộc nhóm này, hoặc ít ra thì ông chưa có biểu hiện cho thấy ông thuộc nhóm này. Đây là lý do mà ban đầu tôi không đánh giá cao ông.
Nhưng ông Minh Tuệ lại là một bậc Chân Tu, một Hành Giả chân chính!
• Gọi “Hành Giả” là vì ông không nói nhiều, mà ông thực hành. Ông tự phát nguyện xuất gia, rồi tự phát nguyện thực hành hạnh đầu đà. Ông lặng lẽ thực hành giáo pháp, một mình, không chuông không mõ, không chùa không nhang, trong suốt nhiều năm trời trước khi nhiều người biết đến ông.
• Gọi “Chân Tu” là vì ông tu… thật. Ông chưa đắc đạo, nhưng ông tu rất thật, không thấy giả chỗ nào cả! Ông nói chuyện đều thật, ông nghĩ gì ông nói đó, thật đến mức mà người ta thấy ông “ngô nghê”.
Nhưng có lẽ chính cái “ngô nghê” thật thà đó, mới là điểm khiến nhiều người “thương” ông đến như vậy!
• Bậc trí giả có thể khiến người ta thán phục, kính nể, nhưng có lẽ không có ai thương họ vì họ thông minh cả. Người ta lại thương những người hiền lành, thật thà, như ông Minh Tuệ vậy.
• Đạo Đức Kinh có câu “phục quy ư phác” “phục quy ư anh nhi”, tức là “trở về chất phác” “trở về như trẻ con”.
• Chúa Jesus cũng nói “Hãy để lũ trẻ đến với Ta, đừng ngăn cản chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng. Quả thật, ta nói với các ngươi, ai không tiếp nhận Nước Trời như một đứa trẻ thì sẽ không bao giờ được vào đó.”
• Một đứa trẻ khác gì với một người lớn? Đó là sự vô tư, hồn nhiên, thật thà. Và dường như bởi vì bản tâm trong sáng đó, chúng lại có lòng Thương Yêu hay Từ tâm vô lượng, mà khi lớn lên, chúng ta dần mất đi!
• Tứ vô lượng tâm là gì? – Từ, Bi, Hỉ, Xả. Có lẽ là không có người lớn nào lại hơn lũ trẻ con về những mặt này được! Chúng biết yêu thương, biết thương xót, biết vui vẻ, và biết tha thứ, đến tột cùng! Mỗi một đứa trẻ đều có lòng thương yêu vô hạn, không chỉ với cha mẹ mà với chúng sinh, thú vật, cây cối… Chính cái tình yêu thương đó đã đánh thức tình phụ mẫu của cha mẹ chúng, nên thực ra là đứa con đã dạy cho cha mẹ chúng biết yêu thương, một lần nữa!
• “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”. Đứa trẻ nào cũng thiện cả. Chỉ khi lớn lên, dường như trí tuệ phát triển lại làm chúng ta mất đi sự hồn nhiên, quên mất bản tâm của mình. Phật tánh nơi sâu thẳm bị chôn vùi bởi cát bụi cuộc đời!
Nhưng thầy Minh Tuệ dường như lại khác!
• Thầy xưng “Con”, với tất cả mọi người, lời nói và nụ cười của thầy hồn nhiên như một đứa trẻ. Thầy không màng vật chất, không vướng bận với đời. Thầy chỉ một lòng đi tìm Phật.
• Và sau cái hồn nhiên đó dường như là cả một tấm lòng rộng mở, bao dung vô hạn, mà ai cũng muốn xin nhờ một góc nhỏ để nương náu. Nhìn thấy thầy, có lẽ người ta như nhìn thấy được cái “bản lai diện mục” của mình, tìm lại được bản tâm đơn sơ, thuần khiết đã thất lạc từ khi nào?
• Có lẽ thầy Minh Tuệ đã khiến bao người xúc động là vì vậy. Họ nhìn ông, tôi nghĩ giống như những người cha mẹ nhìn đứa con đầu lòng của mình. Hay như những đứa trẻ nhìn người cha già hiền từ bao dung. Ông khiến họ phát ra tình thương và lòng kính trọng chân thật. Tình thương chân thật này hướng đến bậc Chân Tu một cách tự nhiên, mà cả những Cao Tăng cũng không nhận được!
• Và có lẽ đây là cái gọi là “nhân giả vô địch”, “lấy đức phục người”. Trí giả thuyết pháp bằng trí tuệ, còn Nhân giả giảng đạo bằng cái Tâm, đơn giản nhẹ nhàng đi thẳng vào lòng người khác! Một bậc trí giả có thể khiến người ta nghiêng mình, nhưng chỉ có bậc đại đức mới có thể khiến hàng vạn người tự nguyện cúi đầu đảnh lễ! Ông Minh Tuệ xưng Con, nhưng ai cũng gọi ông bằng Thầy! “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” cũng là như vậy.
• Trong Phật giáo, vị Bồ-tát đại diện cho lòng từ bi. Thầy Minh Tuệ chắc chưa đắc đạo, nếu gọi là Bồ-tát thì hơi quá. Nhưng với Phật tánh ẩn hiện và đại nguyện đã phát ra, thì chắc chắn thầy là một vị Bồ-tát-sẽ-thành vậy.
• Thầy quá hiếm hoi. Trong cả biển người, có ai được như vậy?
Và vì vậy, việc thầy biến mất, khiến người ta thấy thất lạc, như những đứa trẻ bơ vơ lạc mẹ.
• Tôi xem clip thấy ông Minh Tạng đứng khóc thảm thiết sau khi tách biệt với Thầy. Có lẽ giờ đây bao nhiêu người cũng cùng một tâm trạng như vậy.
• Tôi mong rằng thầy vẫn bình an, và vững vàng trên bước đường tu hành. Nếu lỡ có chuyện gì xảy ra, tôi thật không biết hàng ngàn hay hàng triệu người yêu thương thầy sẽ có phản ứng như thế nào?
Mô Phật!
(Trần Thế Hiệp, 07/06/2024)

Read Previous

Sư Minh Tuệ làm gì mà lại có nhiều người ghét ?

Read Next

Sư Minh Tuệ học kham nhẫn, rèn luyện kham nhẫn

5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Most Popular

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x